Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Cac loai san Golf tren the gioi


Trong số hàng chục ngàn sân golf đang hoạt động trên toàn thế giới, có thể nói không có sân nào giống sân nào. Có một câu hỏi thường được nhiều người đặt ra là ngoài những yếu tố tự nhiên (địa hình, khí hậu), cơ sở kỹ thuật hạ tầng và quyền lợi của người tham gia thì người chơi nghiệp dư làm sao chọn được một sân golf phù hợp với mình?
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 36 ngàn sân golf và hơn 60 triệu người chơi golf tại hơn 140 quốc gia. Giá trị kinh tế golf bao gồm một số thành phần cơ bản có liên quan với nhau như sân golf, hàng hóa, dịch vụ vận hành sân golf, du lịch golf, bất động sản…
Trong số hơn 60 triệu người chơi golf trên thế giới, chỉ có khoảng 5 – 10%, tức là chừng dưới sáu triệu người là dân chơi chuyên nghiệp, hằng năm ra nước ngoài tham dự các giải thi golf. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, lượng người chơi chuyên nghiệp có xu hướng giảm đáng kể, nhưng số người chơi golf nghiệp dư ngày càng tăng thêm.
Nếu là người chơi nghiệp dư, có thể bạn không có đủ thời gian chơi 18 hố, cũng có thể bạn không thích những hố golf dài, chỉ muốn chơi sân golf có hố par 3 (ba gậy) thôi. Trong trường hợp ấy thì nên chọn lựa ra sao?

Nếu bạn yêu thích cảm giác dạo chơi ở những sân golf có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp mê hồn hay chỉ muốn chơi golf ở những sân golf ven biển để thử thách cảm giác mạnh thì nơi nào là địa điểm thích hợp nhất? Mời bạn cùng tìm hiểu những kiểu sân golf đặc trưng dưới đây để tìm nơi thỏa mãn yêu cầu của mình.
Phân loại theo quyền hạn tham gia
Sân golf cộng đồng (public) là sân golf dành cho tất cả mọi người, không có phí hội viên, người chơi chỉ phải trả phí sân cỏ (green fee). Bất kỳ ai cũng có thể trả phí thấp để vào chơi golf.
Các sân này phổ biến ở những nước phát triển, thường do Nhà nước hoặc chính quyền địa phương xây dựng nhằm tạo điều kiện để mọi người dân đều có thể chơi golf.

Ngoài ra, cũng có những sân do tư nhân xây dựng nhưng với quy mô lớn hơn. Loại hình sân golf này hiện chưa xuất hiện tại Việt Nam.
Sân golf bán tư nhân và nghỉ dưỡng (semi-private & resort) là sự kết hợp giữa hình thức hội viên và khách vãng lai. Khách chơi golf có thể lựa chọn cách đóng phí chơi golf theo ngày hay mua thẻ hội viên dài hạn.
Đây là dạng sân phổ biến nhất tại châu Á và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hội viên và khách nghỉ dưỡng tại khu resort được ưu tiên chơi golf vào những giờ chính, những đối tượng khác chỉ được chơi golf vào những giờ nhất định với mức phí khá cao.
Sân golf tư nhân (private) chỉ dành riêng cho các hội viên và khách của hội viên. Loại hình sân golf này thường có phí hội viên cao để giới hạn số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ và nhu cầu riêng tư của hội viên.

Đặc điểm của những sân golf này là có vị trí gần trung tâm thành phố mà ở nước ta, điển hình là các sân golf Vân Trì (Hà Nội), Thủ Đức (TP.HCM), Twin Doves (Bình Dương).
Phân loại theo yếu tố môi trường
Sân golf gò cát (links course) là sân nằm gần bờ biển, tọa lạc trên những dải cát mỏng, thảm cỏ, cồn cát và luôn có gió lớn quanh năm. Gọi là sân golf dạng links vì những yếu tố này được liên kết với nhau.
Sân gò cát có fairway nhấp nhô, nhiều cồn cát với bẫy cát sâu, rất ít hoặc không có cây cối. Đại diện cho sân golf loại này ở Việt Nam là The Dunes (Đà Nẵng), Sea Links (Bình Thuận). Ở Anh, đó là những sân golf huyền thoại như St Andrews, Turnberry…

Sân golf công viên (parkland course) là loại sân được ưa chuộng và thông dụng tại những nước có nền công nghiệp golf phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, có đặc điểm là trong khu vực tồn tại nhiều cây to cổ thụ, bụi cỏ, fairway xanh tốt quanh năm, được chăm sóc kỹ lưỡng.
Các hố cát cũng được bố trí với mật độ dày đặc để tạo ra độ khó cho sân. Đa số sân golf công viên thường được bố trí sâu trong đất liền, nhưng cũng có một số sân được xây dựng gần bờ biển.
Sân golf nghỉ dưỡng (resort course) thường thấy tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng, được sở hữu hay quản lý bởi các công ty kinh doanh khách sạn, resort. Các sân này có vị trí tự nhiên rất độc đáo và được thiết kế đẹp mắt với cây cối xanh tươi, bụi rậm thấp, hồ nước, nhiều hố cát nông.

Đặc biệt, đường fairway được xây dựng rộng rãi, chủ yếu để tạo sự thư giãn cho người chơi. Ví dụ điển hình của loại sân này ở Việt Nam là Vinpearl Golf Club tại Nha Trang.

Sân sa mạc (desert course) chủ yếu được xây dựng trên những vùng đất hoang mạc, khô cằn. Nhìn từ xa, sân golf giống nhưốc đảo xanh nổi lên giữa sa mạc rộng lớn.
Đặc điểm địa hình của sân golf sa mạc là có hồ nước với các khu đất cát lớn nhấp nhô xung quanh fairway, tô điểm bởi các cây cọ, xương rồng. Kiểu sân golf này rất thịnh hành chủ yếu tại khu vực Tây Nam Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, sân golf Sông Bé với lỗ golf số 3 được xem là xây dựng theo loại hình này.
Sân golf cổ (heath-land course) cũng nằm sâu trong đất liền nhưng có fairway rộng, quanh co và xuyên suốt sân với nhiều bụi rậm, cây nhỏ xen kẽ nhiều cây lớn xung quanh. Sân golf cổ có tương đối nhiều tại Anh, Ireland, điển hình là sân Walton Heath, nơi từng tổ chức giải Ryder Cup.

Phân loại theo độ dài
Sân golf 18 hố có tính truyền thống, được thiết kế với chín hố trước và chín hố sau. Tổng chiều dài của sân khá đa dạng (phải có chiều dài ít nhất 5.200 yard, par 66) và tùy thuộc vào số lượng các hố par 3, 4, 5 và chiều dài của chúng.
Sân golf chín hố không có đủ diện tích như sân 18 hố nhưng vẫn có đủ các hố chuẩn par 3, 4, 5 với chiều dài theo quy định. Để chơi hết một vòng 18 hố ở những sân golf này, bạn phải chơi hai lần.
Sân golf thực hành (executive course) thường chỉ có chín hố được thiết kế với nhiều hố chuẩn par 3 và một vài hố par 4 hoặc par 5.
Sân golf par 3 cũng có chín hố, nhưng được thiết kế chỉ có các hố chuẩn par 3, rất thích hợp với những người mới bắt đầu chơi golf vì dễ kiểm soát khoảng cách và để tập đánh những cú bóng ngắn (short game).

SÔNG THU/DNSGCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét