Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

GÔN LÀ MỘT PHÉP THỬ TÍNH CÁCH


Chỉ đến cuối buổi lễ trao giải Hãng luật và luật sư tiêu biểu năm 2012 được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 27/8/2012, tôi mới có dịp trò chuyện cùng luật sư Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và Tổng Giám đốc công ty Luật SMIC. 
Câu chuyện lúc đó vô tình chỉ xoay quanh về gôn - một đề tài không liên quan gì đến pháp luật cả. Sinh ra tại Vĩnh Phúc vào thời điểm đất nước thống nhất năm 1975, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội, Trịnh Văn Quyết dấn thân vào nghề luật, nhưng cũng thử thách đam mê kinh doanh của mình. Ít ai ngờ rằng, ở độ tuổi chưa đầy bốn mươi, anh đã vượt lên trước so với bạn bè đồng trang lứa cả về nghĩ suy và sự tích tụ trải nghiệm khắc nghiệt của thương trường. Gặp lại anh khi những cơn gió heo may đưa mùa đông về với Hà Nội, tôi cảm nhận một nội lực đáng nể đằng sau thân hình mảnh mai của một doanh nhân - luật sư…
Luật sư TRỊNH VĂN QUYẾT
Chủ tịch FLC Group và Công ty Luật SMIC
- Sinh ngày 27/11/1975, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội 1999.
- Handicap tháng 11/2012: 10. Thành viên Câu lạc bộ gôn Vân Trì (Hà Nội)
Golf Ngày Nay (GNN): Là người đứng đầu một tập đoàn lớn kinh doanh đa ngành, trong đó có đầu tư xây dựng và vận hành sân gôn, anh đánh giá như thế nào về tiềm năng kinh tế gôn ở Việt Nam?
LS Trịnh Văn Quyết (TVQ): Tôi nghĩ bây giờ gôn đã được thừa nhận không chỉ là môn thể thao mà còn là một ngành có thể mang lại những lợi ích, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các dự án gôn sẽ góp phần vào việc tạo lập môi trường xanh, đóng góp cho ngân sách, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương và thúc đẩy ngành dịch vụ, du lịch phát triển, tạo thuận lợi cho phát triển các dự án đầu tư và bất động sản.
Nhìn ra bên ngoài, gôn đã là môn thể thao rất thịnh hành, với hơn sáu mươi triệu người chơi ở hơn 36.000 sân gôn trên toàn thế giới, trong đó tập trung chủ yếu ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, ngoại trừ sân Đồi Cù (Đà Lạt) được thiết kế từ trước năm 1954 và sân gôn 9 lỗ tại Gia Định (cũ), thực tế môn thể thao này cũng mới chỉ được du nhập từ những năm 90 khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa và hội nhập. Theo số liệu thống kê không chính thức, số lượng người chơi gôn ở Việt Nam cũng mới chỉ dừng lại ở con số khoảng 10.000 người, tức chỉ cứ 9000 người Việt Nam mới có một người chơi gôn. Về số lượng sân gôn, cả nước hiện có 29 sân gôn đã đi vào hoạt động và 61 sân gôn nằm trong quy hoạch xây dựng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. So với các nước trong khu vực và thế giới, đây quả là những con số rất khiêm tốn. Nói ra những điều này để thấy tiềm năng kinh tế gôn ở nước ta còn rất lớn.
GNN: Trong điều kiện nền kinh tế đang ở thời kỳ khủng hoảng, vậy tình hình triển khai các dự án gôn của Tập đoàn FLC hiện nay như thế nào?
TVQ: Hiện nay, tại Hà Nội, FLC đang sở hữu hai sân tập gôn là FLC Golfnet1 và FLC Golfnet2, trong đó, FLC Golfnet2 được đánh giá là sân tập gôn lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 3ha, chiều dài mặt sân hơn 400 yard, chiều rộng hơn 200 yard, khu vực tập gôn gồm 90 line phát bóng trong nhà có mái che và hệ thống làm mát, hướng ra sân cỏ ngoài trời được trồng và chăm sóc cẩn thận, 5 green mục tiêu với nhiều cự ly, xa nhất là 300m, tạo cho người tập cảm giác như đang đánh bóng trên sân gôn thật.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tiến hành triển khai Dự án sân gôn - resort, khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí cao cấp Hồ Cẩm Quỳ. Đây là dự án có quy mô 248,7 ha với tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng, bao gồm tổ hợp vui chơi giải trí và sân gôn nằm trên vùng đất đồi tự nhiên, các khu resort spa và tắm khoáng tầm cỡ khu vực và thế giới. Kết hợp với các khu nghỉ dưỡng cao cấp là 241 căn biệt thự cao cấp và đặc biệt cao cấp với các dịch vụ hoàn hảo. Hiện chúng tôi đang tiến hành giải phóng mặt bằng, đến năm 2013 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. Dự kiến đến năm 2015, sau khi hoàn thành xong giai đoạn 2 của dự án, đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho khách chơi gôn đi cùng gia đình, bạn bè, ở lại các ngày cuối tuần, các dịp lễ Tết…, đồng thời cũng trở thành môi trường giao lưu giữa các thương nhân và chính khách. Du khách đến với sân gôn để được thoải mái, thư thái và thưởng thức tất cả các tiện ích mà khu quần thể này mang lại.
GNN: Tôi hơi ngạc nhiên là trong điều kiện phải điều hành cả hai doanh nghiệp có quy mô và mức độ tăng trưởng rất lớn, anh vẫn có thể chơi gôn ở trình độ cao. Cảm nhận của anh về môn thể thao này như thế nào? Nó có phải là cứu cánh giúp anh đạt được thăng bằng trước những áp lực cuộc sống?
TVQ: Gôn đã đem lại cho tôi sự cân bằng hoàn hảo, khi được hòa mình với môi trường thiên nhiên đích thực, giúp thư giãn tinh thần, rèn luyện sức khoẻ, trao đổi công việc, thắt chặt quan hệ với đối tác và là nơi mở ra những cơ hội đầu tư mới… Thành thực mà nói, gôn còn dạy con người ta biết tầm quan trọng của việc lên kế hoạch và cách đạt được nó. Những người chơi tốt sẽ biết cân nhắc và lựa chọn gậy trước khi thực hiện cú đánh để làm thế nào đưa bóng đến đúng mục tiêu và tiếp cận green. Nó cũng giống như việc lập kế hoạch kinh doanh và lựa chọn con người để thực hiện kế hoạch kinh doanh đó sao cho tốt nhất.
Kiểm soát cảm xúc là yếu tố sống còn trong môn chơi này, bởi vì bạn không thể kiểm soát tốt hay thực hiện chính xác một cú đánh bóng khi bạn đang phân tâm. Tính cách này tốt cho cả gôn và kinh doanh. Rất nhiều công ty đã đình đốn bởi sếp của họ luôn để cảm xúc chi phối và không làm việc tỉnh táo nên giữ được bình tĩnh là một lợi thế rất lớn.
Chơi gôn đòi hỏi phải tuân thủ luật chơi và luật sư như tôi lại càng phải đúng luật và giúp nhóm chơi tuân thủ luật (cười). Tôi nghĩ, một gôn thủ nếu gian lận trong chơi gôn, thì người đó có thể sẽ ứng xử như vậy ở bất kỳ lĩnh vực nào. Vì vậy, chơi gôn cũng là môi trường tốt để rèn luyện tránh xa những cám dỗ đời thường.
Rất nhiều người tin rằng, trước khi hợp tác với ai, họ sẽ chơi một vòng gôn với người đó. Đây là một phép thử rất hay bởi vì không ai giấu được tính cách thật của mình khi chơi gôn. Không có môn thể thao nào giúp ích cho công việc kinh doanh như gôn. Khi chơi gôn, doanh nhân có thể chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong kinh doanh để vượt qua những thách thức trên thương trường. Bên cạnh đó, chơi gôn còn thể hiện đầy đủ cá tính của người chơi, giúp cho doanh nhân hiểu thêm về đối tác và từ đó có được những quan hệ thân thiết bền vững hơn trong kinh doanh. Bởi thế, tôi chia sẻ với suy nghĩ, gôn là một phép thử tính cách tốt nhất. Với tôi, gôn là một phần tất yếu của cuộc sống và người chơi có thể soi mình ở trong đó…
HOÀI PHAN thực hiện // Ảnh: LÊ SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét