Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

THEO NHỮNG BƯỚC CHÂN CỦA TIGER WOODS


Tiger Woods là ngôi sao số một tại giải, xét về mọi phương diện, từ sự quan tâm của người hâm mộ, đến công tác truyền thông với các đài truyền hình và lực lượng bảo vệ an ninh. Đi theo Tiger luôn là một đoàn người rồng rắn, hàng ngàn người đến xem, nhất là vòng cuối, chen chúc nhau với tiếng hô “Tiger! Tiger!” thỉnh thoảng vang lên.
Không chỉ là thần tượng, trong trái tim của người viết, Tiger Woods còn là một điều gì đó rất đặc biệt. Mỗi giải gôn có anh tham gia tôi đều cố gắng tranh thủ xem, lúc truyền hình, khi online, hoặc đọc bản tin liên quan. Phong độ trồi sụt lên xuống của anh luôn làm tôi thắc thỏm, lo lắng và hay tự động viên mình: phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi. Tôi thích Rory với khuôn mặt trẻ con, cú swing tuyệt đỉnh của anh nhưng trái tim lại nhường chỗ cho Tiger mất rồi. Do vậy, khi nghe tin Tiger sẽ tham dự giải CIMB Classic ở Malaysia, tôi biết mình phải làm gì: Sắp xếp công việc để lên đường đi gặp anh!
Với sự giúp đỡ của tòa soạn Golf Ngày Nay, tôi liên hệ với bộ phận truyền thông giải, gọi là PGA Media để đăng ký tham dự giải với tư cách phóng viên ảnh và viết bài. Tất cả được thực hiện qua website, dễ dàng nhưng rất chi tiết. Điều đáng ngạc nhiên là, thông qua hệ thống đăng ký này, phóng viên có thể tham dự bất cứ giải nào do PGA tổ chức hằng năm trên toàn thế giới, chỉ với vài cái nhắp chuột để lựa chọn giải mình ưa thích mà thôi. Với tư cách là phóng viên ảnh, tôi được Ban Tổ chức cấp cho tấm thẻ “inside-the-ropes” để đi vào fairway, chứ không phải chen chúc đi theo đường nhựa (car path) như người hâm mộ khác.
Giải CIMB Classic đã được tổ chức sang năm thứ ba nhưng hai lần trước không để lại tiếng vang nhiều vì không có ngôi sao danh tiếng tham gia. Do vậy, năm nay, Tiger Woods tham gia thi đấu là một điều đặc biệt. Mọi người xì xào với nhau: “Chắc tiền phí tham dự phải trả cho ngôi sao này không ít”. Đáp lại tin đồn trên, ông Datuk Seri Nazir Razak, CEO của Tập đoàn CIMB khẳng định trên báo chí rằng, nhà tổ chức “tuân thủ theo quy định của PGA, không trả phí tham dự cho bất cứ gôn thủ nào, kể cả Tiger Woods”. Trong khi đó, chỉ đánh một trận 18 lỗ biểu diễn cùng với Rory McIIroy ở Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 30/10 vừa qua, hai ngày sau khi CIMB Classic kết thúc, Tiger được nhận tới 2 triệu USD (khi mà Rory chỉ được 1 triệu USD). Ngoài ra, nhà tổ chức cũng chi bộn tiền để được Golf Channel phát sóng trên toàn cầu. Điều khá đặc biệt là, duy nhất chỉ có một bình luận viên của kênh truyền hình gôn thuộc hãng NBC này đi theo Tiger trong từng lỗ, điều mà không gôn thủ nào trên sân có được. Có lẽ cả nhà tổ chức và kênh truyền hình đều biết sự hấp dẫn không thể cưỡng nổi về mặt truyền thông của Tiger.
Người yêu gôn đến xem giải phần lớn cũng vì Tiger Woods, như tôi và tất cả những người Việt Nam đã gặp ở đây.
Tiger Woods là ngôi sao số một tại giải, xét về mọi phương diện, từ sự quan tâm của người hâm mộ, đến công tác truyền thông với các đài truyền hình và lực lượng bảo vệ an ninh. Đi theo Tiger luôn là một đoàn người rồng rắn, hàng ngàn người đến xem, nhất là vòng cuối, chen chúc nhau với tiếng hô “Tiger! Tiger!” thỉnh thoảng vang lên. Trong khi đó, các gôn thủ nổi tiếng khác như Kavin Na, Bo Van Pelt, Nick Watney… cũng chỉ được khoảng vài chục fan hâm mộ. Thật ra, ai xếp chơi chung với Tiger ngoài vinh dự ra còn chịu không ít áp lực. Đặc biệt là từ số cổ động viên của Tiger nhiều khi tỏ ra quá phấn khích. Chẳng hạn, sau khi Tiger gạt xong cú đầu tiên, cả đoàn người rùng rùng bỏ chạy sang bệ phát bóng kế tiếp để giành chỗ vì họ biết rằng cú đẩy bóng tiếp theo của Tiger không còn gay cấn nữa, và cũng mặc cho người chơi cặp của Tiger đang tập trung để cứu par trên green. Chẳng biết Ben Crane có tự cảm thấy mình là người may mắn hay xui xẻo khi được đánh chung với Tiger những hai vòng! Tiger Woods cũng là tay gôn duy nhất trên sân lúc nào cũng kè kè tháp tùng bởi 4 nhân viên an ninh địa phương được thuê bởi Ban Tổ chức, và một anh chàng người Mỹ cao lớn áng chừng trên 100kg. Về đến lỗ cuối của vòng đấu, Tiger lại còn được một đoàn đông đảo cảnh sát ùa vào sân theo sau bảo vệ.
Tác giả ngồi sau lưng Tiger. Phía xa, Tiger đang tập trước khi đánh bóng. Ảnh: Pháp Nguyễn
Tại giải CIMB Classic, khán giả hâm mộ không khỏi ngạc nhiên khi các gôn thủ được quyền nhặt và lau bóng sau khi làm dấu, rồi tự do đặt bóng trong vòng 1 gậy nhưng không gần cờ hơn (preferred lies), với điều kiện bóng ở trên fairway hoặc khu vực có cỏ cắt ngắn. Quy định này còn được gọi là luật mùa đông (winter rules), do PGA Tour cho phép áp dụng như là luật địa phương (local rules) nhằm bảo vệ sân tại vùng hay có mưa, mặt sân ẩm ướt. Điều này tương tự như ở sân Sông Bé có vài chỗ cắm biển preferred lies ngay trên fairway, nên bạn có thể áp dụng điều luật này để di dời bóng mà không bị phạt. Như mọi gôn thủ khác, Tiger Woods luôn nhấc bóng lên lau chùi, rồi nhẹ nhàng đặt xuống, kể cả khi bóng của anh nằm bên rìa green. Dĩ nhiên vị trí đặt bóng bao giờ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cú đánh tiếp theo.
Việc sử dụng gậy của Tiger Woods lắm khi gây bất ngờ cho khán giả. Ở vòng cuối, tại lỗ 17, bóng của Tiger nằm mép green, dốc xuống rất thấp, khoảng cách đến cờ khoảng 12 yard, anh lốp bóng bổng lên cao đến cả 7 mét, bóng rơi bịch xuống green, từ từ lăn xuống rồi nằm vắt ngang dốc, cách lỗ 2 yard. Cả rừng người xung quanh green sau phút nín thở, gào rú vang lừng cả góc sân: “Tiger! Tiger!”. Tiger bước vào green, đầu cúi xuống để che giấu nụ cười trắng xóa của mình. Chắc anh cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất lúc này. Tôi cùng Ngô Thanh Sơn bàn luận về cú lốp bóng vừa rồi, cùng chẳng hiểu tại sao anh lại chọn giải pháp thế, trong khi có thể gạt hoặc chíp lăn để bóng có thể ôm cờ. Andrew Hùng Phạm cùng chứng kiến cú đánh này, có cách nhìn khác. Tiger Woods được quyền preferred lies nên anh đặt bóng trên cỏ và do vậy đã sử dụng kỹ thuật lốp bóng để nó không lăn nhiều. Phải làm chủ được kỹ thuật mới dám thực hiện như thế.
Trên bệ phát bóng, Tiger tôn trọng sự yên tĩnh tuyệt đối. Tôi chứng kiến hai lần, lúc đang back swing, gậy đã hạ xuống rồi mà Tiger Woods vẫn dừng lại chỉ vì một con bướm nhỏ chập chờn bay qua, hay tiếng tách của một chiếc máy chụp ảnh vang lên không đúng lúc. Đó quả thật là một thứ để học, đừng vội vã với cú swing của mình.
Về đến nhà với tấm thân mệt nhoài, người đen nhẻm như chàng bán than, nhưng trái tim của tôi luôn rộn rã vì được gặp thần tượng của mình, song hành cùng với anh trên mọi lỗ gôn, tất cả ba vòng. Giờ đây ngồi thẫn thờ bên bàn làm việc, nhớ đến cái cúi mặt kín đáo giấu nụ cười rạng rỡ khi người hâm mộ hô vang “Tiger! Tiger!” trên green, nhớ từng sải chân mạnh mẽ hướng về phía trước của anh, tôi hình dung tới bước chân của một con báo (puma) chứ không phải con hổ (tiger).
Hẹn gặp nhé Tiger! Năm sau tại đây, Kuala Lumpur.
Bài và ảnh: TRẦN DUY CẢNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét